Tình thương cho đi không mất bao giờ – Thông điệp từ sự trải nghiệm!

“Tình thương là tài sản vô giá nên cần được chuyển giao qua nhiều thế hệ để bảo tồn lòng nhân ái!”

Vào một đêm không trăng của nhiều năm trước, anh trai thứ tư bất ngờ dẫn về nhà một cô gái xinh xắn với gương mặt chữ điền. Nghe tiếng lào xào ở phòng khách, tôi tốc mùng chạy ra xem chợt thấy chị đứng khoanh tay hầu chuyện “Thưa ba, thưa má xin nhận con làm dâu!”.

Ba mẹ tôi vốn nhân từ nên tiếp nhận chị như có thêm một người con gái. Chị gật đầu và mỉm cười chào tôi. Còn tôi tròn xoe mắt nhìn người chị dâu từ trên trời rơi xuống. Sau đó chị theo anh trai tôi vào phòng riêng bắt đầu cuộc sống vợ chồng.

Mấy ngày sau, ba mẹ tôi nhờ người qua nhà gái xin làm lễ phạt theo truyền thống để hợp thức hôn nhân cho đôi trẻ. Ngày lễ phạt, chị khép nép trong chiếc áo bà ba nghe lời nhiếc mắng của cha vì dám vượt vòng lễ giáo. Nước mắt chị rơi làm mềm lòng cô bé tuổi lên 10 như tôi. Chị và anh nào dám cãi lời cha mẹ nhưng cha chị vốn quá phong kiến không chấp nhận anh tôi chỉ vì anh làm công tác Đoàn ở xã. Vì tình yêu chị trốn nhà về với gia đình tôi.

Thời gian dần trôi, có chị đỡ đần cho mẹ tôi nhiều việc. Mẹ tôi thương chị như con gái. Còn tôi có cảm tình với chị ngay phút đầu tiên, thương chị là cô gái đẹp nhất làng mà lấy chồng không được mặc áo cô dâu. Mấy năm sau, hai cháu Thanh và nghĩa lần lượt ra đời. Anh chị được ra ở riêng với mấy công đất được chia. Chị ngày lam lũ trên đồng, hết trồng lúa, hoa màu, nuôi heo, nuôi gà….và qua lại nhà tôi phụ giúp chăm sóc ba mẹ khi tôi đi học xa nhà. Khi mẹ tôi bị tai biến bại liệt, chị bỏ lại hai con theo xe lên bệnh viện ở Sài Gòn túc trực nuôi mẹ. Tôi chỉ ra vô thăm mẹ vì công việc phải làm. Dù không nói ra nhưng tôi luôn ghi nhận tình thương yêu chị dành cho gia đình tôi.

Nửa năm sau, cũng vào lúc con trai đầu cháu Thanh mới vào đại học được vài tháng thì chị bị tai nạn giao thông trong tình trạng nguy kịch. Tám giờ tối khi cháu Thanh đi học về, tôi gọi taxi gấp rút đưa cháu về gặp mặt chị lần cuối. Trên suốt chặng đường 100km tôi phải làm công tác tư tưởng để cháu đối mặt với sự thật đau lòng ở tuổi 18 – cái tuổi mà ngày xưa chị về với gia đình tôi. Hai giờ đồng hồ nặng trĩu cũng qua mau, đến bệnh viện tỉnh Tây Ninh, hai cô cháu chạy như điên vào phòng cấp cứu. Thanh bóp bóng thay cho ba nó mà nước mắt như mưa. Người chị tím tái tới thắt lưng mà tim vẫn còn đập. Trên x-ray, hộp sọ chị bị nứt đôi khoảng cách 0,5cm. Theo bác sỹ chị đã chết lâm sàng vì não ngừng hoạt động nhưng tim vẫn còn ấm nên không thể kết luận chị thật sự chết. Một sức mạnh vô hình nào đó đã níu kéo từng nhịp tim thoi thóp với trần gian. Dù chị đã gặp mặt con nhưng còn vương vấn điều gì mà tim chưa ngừng đập. Tôi không chịu được sự đau đớn khôn cùng của chị giữa ranh giới chuyển nghiệp sống và chết. Tôi hiểu chị đang mong đợi một điều gì đó từ những người thân. Nắm chặt tay chị, tôi thành tâm nói “Em hứa sẽ thay chị nuôi hai cháu ăn học thành tài. Chị hãy thanh thản ra đi đừng vương vấn trần gian này nữa!”. Sau khi tôi dứt lời, hai giọt nước mắt từ từ ứa ra lăn dài trên gương mặt xám khô của chị. Trong cõi tâm linh chị đã nghe thấy dù hộp sọ đã vỡ. Nước mắt rơi và tim ngừng đập hẵn lúc nửa đêm.

Bác sĩ yêu cầu đưa chị xuống nhà xác chờ sáng ra mổ khám nghiệm tử thi theo đúng pháp luật vì người ta phát hiện chị nằm bất tĩnh ven đường mà không biết ai gây tai nạn. Anh trai tôi năn nĩ hết lời để chị được nguyên vẹn nhưng không thể. Chúng tôi ngồi ở hành lang nhà xác chờ trời sáng. Bầu trời đêm không trăng le lói vài vì sao. Gió lành lạnh. Những thân tre cọ vào nhau kêu kin kít. Tiếng lá dừa lào xào xen lẫn tiếng dế, tiếng ễnh ương kêu rợn người.

Sáu giờ sáng, đoàn khám nghiệm tử thi đến mở cửa nhà xác. Họ yêu cầu phía gia đình nạn nhân đại diện một người chứng kiến. Bốn chúng tôi nhìn nhau: chị gái và anh trai tôi lắc đầu, cháu Thanh càng không thể, chỉ còn mình tôi nhận trách nhiệm. Lấy hết can đảm tôi bước vào cánh cửa nhà xác lần đầu tiên trong cuộc đời. Viễn cảnh những nhát dao mổ tử thi chị dâu ám ảnh tôi suốt mấy năm sau đó kèm theo bệnh mất ngủ trầm trọng. Trước khi khâm liệm, tôi tỉ mĩ trang điểm cho chị. Gương mặt xám khô lúc cận tử nghiệp biến mất, thay vào đó là nét mặt thanh thản lạ thường, chị như đang mỉm cười bắt đầu hành trình về thế giới khác. Ai đến tiễn đưa cũng tiếc thương chị sống Hiền – Đẹp.

Sau đám tang, tôi đưa cháu Thanh trở lại Sài Gòn tiếp tục lộ trình của những người còn đang được sống. Năm tháng dần trôi, hai cô cháu hủ hỉ với nhau hết phòng trọ này tới phòng trọ khác. Dù vai cô út nhưng tôi chỉ hơn Thanh một con giáp nên gần gũi nhau hai người bạn. Một hôm Thanh bức xúc tâm sự “Bọn con học đại học năm ba khoa Toán – Tin mà không biết tháo ráp một cái máy vi tính….!”.

Tôi đồng ý quyết định chuyển trường để cháu thực hiện đam mê tin học. Thanh chuyển sang học IT liên thông với Ấn Độ với học phí khá cao tính bằng Đô la. Lúc đầu cháu cũng e ngại sợ tôi tốn kém nhưng tôi động viên cháu vì đó là con đường duy nhất để cháu thoát nghèo. Trước khi đầu tư trường mới cho Thanh, tôi bắt Thanh cam kết, rằng: “Út chỉ tập trung hết mình lo cho cháu ăn học. Sau này cháu tốt nghiệp đi làm nuôi lại em mình chứ út không lo cho em Nghĩa nữa mà sẽ tập trung lo cho từ thiện.”. Ngày cháu Thanh bước chân vào làm IT cho một ngân hàng lớn, đêm ấy tôi mơ thấy chị. Chị không nói gì chỉ nhìn tôi mỉm cười và bay đi như một làn gió, cũng nụ cười ngày đầu tiên chị về với gia đình tôi.

Khi còn ngồi trên giảng đường đại học, biết tôi mê đi từ thiện, Thanh thường nói rằng: “Học xong IT con sẽ biết viết website cho Út làm từ thiện!” dù Thanh không chuyên về quản trị mạng. Website Vuonnhanai.org của Từ thiện Đồng Tâm phiên bản đầu tiên do Thanh viết cho cô Mai năm 2009.

Khi chị dâu mất cháu Đại Nghĩa mới học lớp 5. Anh trai tôi mắc nợ ngân hàng nông nghiệp vì liên tục mất mùa không có khả năng nuôi Thanh học đại học. Thắm thoát rồi Nghĩa cũng đậu vào đại học Công Nghiệp. Thanh đã nuôi em ăn học chu đáo như lời cam kết với tôi ngày nào.

Tình thương một khi cho đi sẽ không mất bao giờ. Nó sẽ chuyển hóa ở nhiều trạng thái khác nhau để những con tim có cùng nhịp đập yêu thương.

NGỌC MAI – Trâu Sữa.

 chon-mua-do-phong-thuy-ngay-tet-sao-cho-chuan-hinh-6

11098277_907842162587810_5110228687064396167_n